Hội Văn nghệ Tuyên Quang sinh thành từ cái nôi của văn nghệ cách mạng và kháng chiến

- Khi nhắc đến nền thơ ca cách mạng và kháng chiến chúng ta nhớ ngay đến bài thơ Việt Bắc của cố nhà thơ Tố Hữu.

Mình về mình có nhớ ta
Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng

Thơ ấm áp một thời với chiến khu Việt Bắc, là tiếng lòng thiết tha cả khi ở, khi đi. Điều đó tự hiển hiện một thời Việt Bắc - Tuyên Quang là Thủ đô cách mạng, Thủ đô Kháng chiến. Nơi Trung ương Đảng, Bác Hồ ở lãnh đạo cách mạng Tháng Tám thành công và chín năm trường kỳ kháng chiến làm nên Điện Biên vang dội địa cầu. Đồng thời nơi đây còn là cái nôi sinh nở những áng thơ ca cách mạng, kháng chiến hào hùng như Việt Bắc của Tố Hữu, Trường ca Sông Lô của Văn Cao, Nhật ký ở rừng của Nam Cao, Ký sự Cao Lạng của Trần Đăng, Việt Bắc Tây Nguyên của Nông Quốc Chấn, Từ triều đình Huế đến Chiến khu Việt Bắc của Phạm Khắc Hòe...

Đặc biệt tại đình Kim Long bài Tiến quân ca của Văn Cao còn được chọn làm Quốc ca của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nay là Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. (Câu chuyện tóm tắt đại ý như thế này. Khi Quốc dân Đại hội họp bàn về Quốc ca của Việt Nam. Lúc ấy đưa ra hai bài: Diệt phát xít của Nguyễn Đình Thi và Tiến quân ca của Văn Cao. Quốc dân Đại hội thảo luận rất kỹ. Cuối cùng Bác Hồ nói. Phát xít diệt xong rồi, kháng chiến thì còn dài. Ta lấy Tiến quân ca. Toàn thể đại biểu dự họp đều nhất chí và Tiến quân ca được chính thức lấy làm Quốc ca của Việt Nam tại đình Kim Long, xã Tân Trào, tỉnh Tuyên Quang). Đó là niềm vinh dự của nhân dân cả nước nói chung và nhân dân các dân tộc Tuyên Quang nói riêng.

 Phó Giáo sư, họa sĩ Vũ Giáng Hương, Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam tại lễ khánh thành ngôi nhà văn nghệ Việt Nam ở làng Gò Măng, xã Trung Môn, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang.

Từ chuyện này tôi chợt nhớ câu chuyện của nhà văn Nguyễn Đình Thi. Năm 2000, nhân chuyến đi về nguồn ông có ghé thăm Hội Văn học Nghệ thuật Tuyên Quang. Trong câu chuyện giản dị, ấm áp Nguyễn Đình Thi nhắc lại những kỷ niệm sâu sắc của ông và Cơ quan Văn nghệ Việt Nam những năm sống ở Tuyên Quang thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Cuối cùng ông bảo: Hội Văn học nghệ thuật Tuyên Quang của các bạn có một niềm vinh dự, tự hào là được sinh thành từ cái nôi của văn học nghệ thuật cách mạng, kháng chiến. Tới đây Hội phải có nhiệm vụ cùng với Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam xác minh lại địa điểm và triển khai xây dựng nhà lưu niệm Cơ quan Văn nghệ Việt Nam ở tại Tuyên Quang thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Mọi tư liệu ta cùng nhau tìm hiểu sau...

Câu chuyện dừng ở đây và tôi cũng chỉ nghĩ đó là ý tưởng của nhà văn Nguyễn Đình Thi. Nhưng chỉ mấy tháng sau (Tháng 3 năm 2001) công việc được triển khai ngay. Nhà văn Tùng Điển lúc bấy giờ là Chánh văn phòng Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam lên làm việc ngay với hội Văn học nghệ thuật Tuyên Quang. Ông vào phòng tôi bày ra quyển sổ rồi nói: Tất cả công việc là ở đây, nhà văn Nguyên Đình Thi giao cho chúng ta đầu tiên là phải đi khảo sát lại địa điểm của cơ quan Văn nghệ Việt Nam thời kháng chiến. Địa chỉ tại nhà Cụ Chánh Quấn, làng Gò Măng, xã Trung Môn, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang. Chú là "thủ công" ở đây, việc của hai anh em mình hôm nay là phải cùng nhau mục sở thị địa điểm này để mình về báo cáo lại ông Thi rồi ta có kế hoạch tiếp theo. Liệu ổn không?

- Dạ, làng Gò Măng thì chỉ cách đây khoảng 5 km còn nhà cụ Chánh Quấn thì em cũng chưa tỏ. Vậy ta đi thôi. Hai anh em tốc hành lên đường ngay. Hôm ấy giời mới tạnh mưa, con đường lầy lội, hai anh em lặn lội mãi mới đến được Ngòi Là. May nhà cụ Chánh Quấn cũng ở tại đây, hai anh em đến chỉ có mình bà cụ Su (vợ của cụ Chánh Quấn) ở nhà. Cụ tuổi đã cao nhưng may vẫn minh mẫn khỏe mạnh. Nghe hai anh em chuyện trò, thăm hỏi gia quyến. Cụ bảo:

- Ông nhà thì mất đã lâu, giờ còn mấy bà con ở với nhau, bám ruộng nương sống thôi...

- Dạ. Nhà văn Tùng Điển từ tốn. Nhìn gia cảnh là chúng con hiểu rồi, nông dân ở đâu cũng còn vất vả cụ ạ.

- Ờ, giời sinh ra thế nhưng lam lũ vẫn có miếng ăn.

- Vâng! Vậy ngôi nhà này mới cất lại à cụ.

- Ờ, ngày xưa là ở ngoài hai cái đám mạ ngay cổng vào ấy, nhà gỗ che phên liếp thôi, năm xưa thấy ở ngoài không tiện, gần cái hồ quá, nhà chuyển vào đây cho chính giữa miếng đất, có thay phên liếp thành gạch cấp bốn, lợp ngói để được kín trên, bền dưới nhưng hình thù ngôi nhà thì vẫn vậy.

- Vâng! Nhà văn Tùng Điển lựa lời rồi vào chuyện. "Chúng con ở cơ quan Liên hiệp, chỗ nhà Văn Nguyễn Đình Thi làm chủ tịch ạ. Nhà văn Nguyễn Đình Thi phái chúng con...

- Thằng Thi à? bà nhớ rồi, ngày xưa nó ở đây, cùng nhiều người lắm. Sau ngay hòa bình nó còn đón bà về Hà Nội xem Hồ Hoàn Kiếm, xem hát ở cái rạp to... Nó có còn khỏe không?

- Cám ơn cụ, nhà văn Nguyễn Đình Thi khỏe ạ. Ông bảo sẽ lên thăm cụ ngày gần đây nhất ạ.

- Quý hóa, thật là quý hóa. Cụ Su cười hiền, đôi mắt ánh về những nỗi niềm quá khứ. Thấy cụ bâng khuâng, anh Điển nói thêm. Chúng con lên đây là muốn nhờ cụ xác định lại vị trí ngôi nhà Cơ quan Văn nghệ Việt Nam ở trong thời kỳ kháng chiến rồi sau đó xin cụ nhượng lại cho chút đất đai để xây dựng ngôi nhà làm lưu niệm của Cơ quan Văn Nghệ đã một thời gắn bó tại đây. Đất đai nếu được cụ và gia đình đồng thuận, cơ quan Liên hiệp sẽ làm việc với chính quyền các cấp trong tỉnh và trả tiền cho gia đình ạ.

- Ờ, bà cụ Su cười rồi bảo. Cái nền nhà cũ, giờ là cái đám mạ, mỗi năm gieo mạ xong rồi trồng khoai lang, đất cát ở đây có mua bán gì, vả có bán thì cũng chả được là mấy. Nếu các anh cần thì nhà nhượng cho thôi. Có điều như anh Điển nói cũng phải làm giấy tờ với chính quyền để người ta nghĩ phải cho nhà tôi.

- Dạ, vâng cảm ơn cụ. Vậy là việc xác định vị trí, địa điểm của cơ quan Văn nghệ Việt Nam ở thời kỳ kháng chiến cũng như việc xin đất để dựng nhà lưu niệm bước đầu đã thuận. Nhà văn Tùng Điển vui vẻ mở cái túi lấy ra chút quà của nhà văn Nguyễn Đình Thi gửi biếu cụ Su. Cụ nhận quà, hai dòng nước mắt cứ ứa ra. Thế mới biết tình cảm của cụ với nhà văn Nguyễn Đình Thi thật sâu sắc. Tần ngần một lát giọng cụ Su lại như người kể chuyện.

 Nhà thơ Hữu Thỉnh tại khu di tích Kim Bình, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang.

"Ngầy ấy anh em ở đây đông nhưng tôi chỉ nhớ ông Xuân Diệu hay đọc thơ, ông Tô Ngọc Vân hay vẽ, ông Nam Cao gầy gò chỉ thích ăn rau lang luộc, ông Nguyễn Huy tưởng thì hay ho khục khoặc còn thằng Thi thì hay thức khuya, nó ngồi ở góc phòng kia với cây đèn bão nhưng lúc ấy gian phòng che phên nứa, có đêm thức đến gà gáy, chả biết làm gì cứ hý hoáy viết, thương nó đói bà mang cho đĩa khoai luộc, nó rất thích...". Cụ cười đôi mắt rộn rộn làm những nếp nhăn cũng xôn xao. Ngắm cụ, tôi và nhà văn Tùng Điển như cùng ngẫm ra chung một ý nghĩ. "Các cụ ngày xưa có văn chương hay là nhờ sống chân thành, gắn bó với dân như ruột thịt..."

Chia tay cụ, nhà văn Tùng Điển về Hà Nội báo cáo lại công việc với nhà văn Nguyễn Đình Thi. Nghe được nội dung công việc, nhà văn Nguyễn Đình Thi vạch ra ngay kế hoạch cụ thể. Việc đầu tiên là trở lại ngay Tuyên Quang, làm việc với xã Trung Môn rồi lên huyện Yên Sơn, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo chi tiết nội dung công việc của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam về việc xin đất xây nhà lưu niệm của Cơ quan Văn Nghệ Việt Nam ngay trong năm 2001. Làm từng bước. Bước một dựng tấm bia trước, bước hai xây nhà lưu niêm... 

Chấp hành ý kiến của nhà văn Nguyễn Đình Thi, nhà văn Tùng Điển lại cấp tốc trở lên Tuyên Quang. Anh em gặp nhau, thống nhất công việc rồi đến ngay Ủy ban nhân dân xã Trung Môn làm việc.

Công việc đều thuận, khi nghe chúng tôi trình bày kế hoạch của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, các đồng chí lãnh đạo Ủy ban xã Trung Môn đều ủng hộ và các anh cử người cùng chúng tôi lên huyện Yên Sơn, mọi việc cùng xuôi chảy. Nhà văn Tùng Điển thống nhất ngay với huyện ngày tháng triển khai xây dựng bia lưu niệm. Lãnh đạo huyện thống nhất cùng ký kết văn bản chuyển lên báo cáo Tỉnh ủy, Ủy ban nhân tỉnh.

Khi mọi thủ tục công việc hoàn tất nhà văn Tùng Điển đề ra ngay kế hoach xây dựng bia vào đầu tháng 3-2001 và khánh thành vào ngày 21-3-2001. Công việc được phối hợp nhịp nhàng, Hội Văn học nghệ thuật Tuyên Quang được giao nhiệm vụ chủ công trong quá trình dám sát thi công di tích. Ai cũng nhiệt tình nên chỉ trong vòng nửa tháng hình hài khu lưu niệm được xây lên, tấm bia lưu niệm được đặt ngay ngắn trên nền cái đám mạ chừng hơn một sào đất với những dòng chữ giản dị. (Tại đây Cơ quan Văn nghệ Việt Nam đã ở và làm việc trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp 1946-1953).

Đúng ngày khánh thành khu lưu niệm đã định (21-3-2001) nhà văn Nguyễn Đình Thi Chủ tịch, nhạc sĩ Trần Hoàn Phó Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam cùng các nhà văn, nhà thơ lớn như Tô Hoài, Phạm Tiến Duật, Nông Quốc Chấn… cùng đại diện lãnh đạo các Hội văn nghệ địa phương trên địa bàn khu vực có mặt đông đủ, đại biểu địa phương có các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, lãnh đạo Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện Yên Sơn và lãnh đạo Đảng ủy, Ủy ban xã Trung Môn, gia đình cụ Nguyễn Thị Su cùng bà con nhân dân làng Gò Măng tham dự đông đủ.

Nhà văn Nguyễn Đình Thi và nhà văn Trịnh Thanh Phong tại khu di tích Văn nghệ Việt Nam ở làng Gò Măng, xã Trung Môn, huyện Yên Sơn, Tuyên Quang năm 2001.

Trong bầu không khí ấm áp đầy ắp kỷ niệm ấy nhà văn Nguyễn Đình Thi nghẹn ngào đọc bài khai mạc ngắn gọn, mỗi câu chữ của ông người nghe như cùng được gặp lại từng gương mặt, từng phong cách của mỗi nhà văn nghệ sĩ thời ấy đã gắn bó dưới ngôi nhà của cụ Chánh Quấn cùng bà con làng Gò Măng một thời kháng chiến gian khổ. Và trong câu chuyện này nhà văn Nguyễn Đình thi cũng cho biết tại ngôi nhà của cụ Chánh Quấn ông và nhà văn Nam Cao đã lên đường nhập ngũ cùng mang theo bao kỉ niệm với vùng đất này suốt một thời quân ngũ đến bây giờ. Sau bài phát biểu khai mạc của ông, nhạc sĩ Trần Hoàn ôm đàn ghi ta hát vang bài Lời người ra đi. Tiếng đàn và lời ca vừa sâu lắng, thiết tha vừa rộn ràng thúc giục. Mọi người cùng bắt nhịp hát theo, quanh tấm bia giữa bãi ruộng phút chốc lại hiện về không khí ấm áp của các nhà văn nghệ sĩ đã từng gắn bó với xứ Tuyên suốt một thời kháng chiến.

Sau lễ khánh thành khu lưu niệm, nhà văn Nguyễn Đình Thi chắc tự biết những dấu hiệu bệnh tình trong người, ông càng năng nổ hơn để ngôi nhà lưu niệm trong quần thể khu lưu niệm mau chóng được hoàn thành, ông đã làm việc với các cơ quan cấp trên xin được nguồn kinh phí xây dựng và giao cho nhà văn Tùng Điển tiếp tục phối hợp với Hội Văn học nghệ thuật Tuyên Quang xin mở mang thêm diện tích đất đai để làm ngôi nhà lưu niệm thêm khang trang rộng rãi. Mọi việc cũng được gia đình cụ Su (vợ cụ Chánh Quấn) và các cấp chính quyền địa phương ủng hộ nên rất thuận lợi. Khi ngôi nhà đã hoàn thiện trong bản thiết kế thì tháng 3-2003 do tuổi cao sức yếu, nhà văn Nguyễn Đình Thi rời cõi thế đi xa. Phút thiêng liêng ấy ông vẫn dặn nhà văn Tùng Điển về công việc còn dang dở ở ngôi nhà lưu niệm tại Tuyên Quang và đưa cho nhà văn Tùng Điển bộ quần áo đỏ tặng cho bà cụ Su.

Thực hiện di nguyện của ông, Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam trực tiếp là nhà văn Tùng Điển đã từng bước hoàn thành nhiệm vụ này. Sau mấy năm lo toan, làm lụng đến tháng 8-2008 thì ngôi nhà được hoàn thiện, ngôi nhà nhỏ, xây cấp bốn nhìn ra khu ao hồ Ngòi Là, xung quanh có vườn hoa cây cảnh rất thanh tịnh và thơ mộng. Trước sân được dựng tấm bia to ghi rõ tên tuổi các nhà văn nghệ sĩ đã sống và làm việc tại đây suốt thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Gia sản trong ngôi nhà chỉ là những bộ bàn ghế đơn sơ và giá sách được xếp đặt ngay ngắn.

Nhà văn Nguyễn Đình Thi trò chuyện với cụ Nguyễn Thị Su – người nuôi dưỡng nhà văn trong thời kỳ kháng chiến tại gia đình, làng Gò Măng, xã Trung Môn, huyện Yên Sơn, Tuyên Quang.

Đúng ngày thu tháng 8 - 2008 tại đây đã diễn ra lễ khánh thành ngôi nhà lưu niệm. Dự buổi lễ có đông dảo các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang, lãnh đạo Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện Yên Sơn, lãnh đạo xã Trung Môn cùng đông đúc bà con nhân dân làng Gò Măng, xã Trung Môn và anh chị em văn nghệ sĩ của các tỉnh bạn lân cận. Trong bầu không khí ấm cúng tràn đầy những kỷ niệm từ quá khứ đến hiện tại trên mảnh đất này Phó Giáo sư, họa sĩ Vũ Giang Hương, Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam trịnh trọng đọc bài phát biểu khánh thành nhà lưu niệm, bằng những lời lẽ chân thành từ tấm lòng mình, bài phát biểu của bà như gọi về hình ảnh các nhà văn nghệ sĩ tên tuổi một thời đã gắn bó với ngôi nhà của ông bà cụ Chánh Quấn tại làng Gò Măng, xã Trung Môn này, cùng với bao câu chuyện của bà con nhân dân nơi đây đã đùm bọc anh chị em văn nghệ sĩ một thời kháng chiến gian khổ.

Sau lễ cắt băng khánh thành Phó Giáo sư, họa sĩ Vũ Giáng Hương thay mặt Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam cảm ơn các cấp chính quyền tỉnh Tuyên Quang đã nhiệt tình giúp đỡ để ngôi nhà lưu niệm được hoàn thiện và bà cũng thay mặt cơ quan Liên hiệp trao tặng ngôi nhà cho xã Trung Môn và giao nhiệm vụ cho Hội Văn học nghệ thuật Tuyên Quang có nhiệm vụ cùng với xã Trung Môn tiếp tục hằng năm bổ sung sách báo làm nơi học tập và thưởng thức văn hóa văn nghệ, nâng cao đời sống tinh thần cho bà con nhân dân nơi đây và tạo điều kiện cho khách du lịch cùng anh chị em văn nghệ sĩ cả nước khi đến Tuyên Quang cùng biết đến ngôi nhà của cơ quan văn nghệ kháng chiến tại làng Gò Măng, xã Trung Môn này.

Từ ấy ngôi nhà lưu niệm đã trở thành tài sản của nhân dân làng Gò Măng, xã Trung Môn nói riêng và của anh chị em văn nghệ sĩ cả nước nói chung, qua đó càng thấy sâu sắc hơn tấm lòng của nhà văn Nguyễn Đình Thi với những kỷ niệm một thời ông cùng các nhà văn nghệ sĩ gắn bó với mảnh đất này. Vậy nên từ câu chuyện ông gợi mở từ những ngày đầu triển khai xây dựng ngôi nhà lưu niệm tôi càng nhận thức sâu sắc hơn lời ông nói: “Hội Văn học nghệ thật Tuyên Quang có một niềm vinh dự, tự hào là được sinh ra từ cái nôi của văn học nghệ thuật cách mạng, kháng chiến…”

Vâng, từ câu chuyện và lời nhắc nhở của ông thế hệ chúng tôi càng tự hào hơn vì được thừa kế sự nghiệp của lớp cha ông để lại. Chúng tôi cũng rất vui mừng là đã có đóng góp một phần công sức cùng với Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam hoàn thành nhà lưu niệm của Cơ quan Văn nghệ Việt Nam trên mảnh đất Tuyên Quang lịch sử này. Rất tiếc ngày khánh thành nhà lưu niệm thì nhà văn Nguyễn Đình Thi đã về miền mây trắng từ tháng 3 -2003! Nhưng anh chị em văn nghệ sĩ chúng tôi đều thấy như nhà văn đang có mặt rất ân tình, trang trọng tại nghi lễ buổi khánh thành ngôi nhà đầy kỷ niệm này tại làng Gò Măng, xã Trung Môn, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang.

Trích Ghi chép của Trịnh Thanh Phong

Tin cùng chuyên mục